Sách điện tử: "Chuyện Cũ Hà Nội - Tô Hoài [Xuân Khoa, Kim Phượng Ðọc]"

CHUYỆN CŨ HÀ NỘI Tác giả: Tô Hoài Người đọc: Xuân Khoa và Kim Phượng *nhiều truyện ngắn* Đọc “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoà...

CHUYỆN CŨ HÀ NỘI
Tác giả: Tô Hoài
Người đọc: Xuân Khoa và Kim Phượng
*nhiều truyện ngắn*



Đọc “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài


Phố cổ Hà Nội mới có niên đại khoảng trăm năm vẫn được xem là phố cổ. Tô Hoài mới ngoài sáu mươi tuổi, viết hồi kí - kí sự về Hà Nội thời thuộc Pháp vẫn đặt tên sách là Chuyện cũ Hà Nội (1). Nghe qua không khỏi phân vân, nhưng đọc vào lại thấy nhiều chuyện Tô Hoài kể cứ như ở thời nảo thời nào xa xôi lắm.
 Mới hay dòng chảy của cuộc sống thủ đô thật hăng say, mau lẹ. Chỉ ít tháng nữa thôi Hà Nội thân yêu sẽ tròn nghìn tuổi và cái sắc vàng của Đại lễ nghìn năm mảnh đất rồng bay như đã ánh lên rờ rỡ trước mắt. Trong không khí ấy, lật giở những trang văn Chuyện cũ Hà Nội, thấy ăm ắp hình ảnh Hà Nội một thời, Hà Nội nao buồn, càng cảm nhận rõ hơn hạnh phúc của ngày hôm nay.


Vũ Bằng ngắm Hà Nội trong tâm tưởng của người con xa xứ, thấm đẫm sắc màu lãng mạn. Qua Thương nhớ mười hai da diết, Hà Nội hiện lên lộng lẫy, kì ảo, tinh khôi: “Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ” (2). Dạo qua Hà Nội ba sáu phố phường, Thạch Lam lại nhận ra chất thơ và vẻ đẹp tinh tế, thanh nhã của đất kinh kì nương mình trong những cái bình thường, nhỏ nhặt: “Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm ngát, lại điểm thêm một chút cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ” (3). Còn Tô Hoài, ngay cả những khi mê đắm nhất ông vẫn tỉnh táo. Những gam màu lạnh lẽo của đời thực buộc ông phải tỉnh táo. Và nhờ tỉnh táo, ông nhìn được nhiều hơn, kĩ hơn. Trong cái nhìn điềm tĩnh chân thực của ông, Hà Nội thời thuộc Pháp hiện ra lầm lụi, buồn tủi. Một Hà Nội nhếch nhác với những chân dung lam lũ, nhàu nhĩ. Một Hà Nội được kí hoạ bằng chì xám phác lên cái không gian ảm đạm, vui ít, buồn nhiều. Trong Đêm giao thừa, Băm sáu phố phường, Áp tết, Cơm đầu ghế…, những thợ cửi, thợ cấy làm quần quật ngày đêm mà vẫn đói khổ. Rồi nạn Tây đoan sục bắt rượu lậu sinh ra một cảnh tượng bi hài: chú Bếp “phấn khởi” vì được người ta mượn đi tù, để vợ con ở nhà có cái tết (những nhà nấu rượu thời ấy bị Tây đoan đến khám, bắt quả tang, nếu có tiền thường thuê người khác nhận tội và đi tù thay mình) (Bắt rượu).  Nạn đói ghê rợn năm bốn nhăm đã làm vơi đi của làng Nghĩa Đô bao người, tạo nên một quang cảnh thê lương, tiêu điều: “Cái sân lạnh lẽo đầy cứt giun đùn”, “màu hoa trắng rờn rợn”; những thân phận hắt hiu, tàn tạ: “Chú Dự mặc áo xanh đã bạc mốc hai vai, người bé nhỏ, màu da úa, mặt choắt, xanh xám như cơn mưa”, “cái Lợi đi lấy chồng rồi về nhà chết đói” (Những nhà hàng xóm). Ngay cả những người có chữ nghĩa như Tô Hoài và Nam Cao, nếu không có một người quen trả công dạy lũ con của ông ta bằng gạo, thì “không biết chúng tôi có mắt xanh lè như thằng Vinh hay dì Tư không, hay còn thế nào nữa” (Chết đói).
Đấy là cuộc sống ở ngoại thành. Trong nội thị cũng nham nhở, táp nham, lai tạp và nhếch nhác. Chuyện về phố Hàng Đào luôn sống động trong kí ức của nhà văn. Ở ngay gần hồ Gươm, nơi trái tim Hà Nội cũng là nơi người và ma chung sống lẫn lộn, nhập nhằng. Đây là hình ảnh mợ Hai khinh khỉnh, động tác sỗ sàng: “Mợ vứt toạch xấp lụa xuống chân sập” (nhân vật này gợi nhớ tới Nghị Quế trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, kẻ súc miệng òng ọc rồi nhổ toẹt xuống nền nhà). Còn kia là chân dung một kẻ ăn mày “kiêu hãnh” – không xin tiền xin gạo mà xin… nụ cười của các cô gái trẻ đẹp chưa chồng (Phố Hàng Đào). Qua những trang văn như những thước phim chậm, người đọc nhận thấy Tô Hoài rất trọng sự thực và coi đó là cốt tủy của văn chương. Điềm tĩnh nhặt, ghi, như một người thư kí trung thành, không thích luận bàn, không ham lý giải. Nếu có bình luận cũng rất kiệm lời, chẳng hạn lời bình về chàng trai đi xin nụ cười chỉ được gói trong đôi câu ngắn ngủi: “Anh như con bướm lượn. Nhưng là con bươm bướm ma”. 
Trong xu thế phát triển đa dạng của văn học hôm nay, lối viết nệ thực, phản ánh hiện thực như nó vốn có ít nhiều đã trở nên cũ kĩ. Những người ham thích cách tân không còn mặn mà với lối viết truyền thống này. Tuy nhiên, phải thấy rằng, nhờ cách miêu tả ấy mà Hà Nội trong tác phẩm của Tô Hoài mới hiện lên vẹn toàn trong tính chân xác nguyên thủy của nó - một Hà Nội rất thật của một thời.
Cái nhìn tỉnh táo của Tô Hoài dẫn tới ý thức tự phê phán. Tô Hoài rất giỏi “đọc vị” cái phần thô kệch, éo le, hài hước của đời sống, nhất là ở phương diện đời sống tinh thần của con người một thời thể hiện trong cách cảm cách nghĩ, cách cư xử và hành động. Hình ảnh người u của Tô Hoài trong Thẻ thân gợi nhớ hình ảnh chị Dậu, có điều chị Dậu của Ngô Tất Tố mang một vẻ đẹp gần như toàn bích lại có chất men phản kháng, còn người mẹ của nhà văn vừa cao cả vừa thật đáng thương. Cao cả bởi tinh thần nặng kéo, nhẹ kéo: “Hai suất thuế hai mang ở quê, u tôi phải chạy. U tôi vẫn lặng lẽ, chẳng phàn nàn một câu”. Đáng thương vì cái tâm lý của kẻ “phận mỏng cánh chuồn”, sinh ra nỗi sợ vô hình với giai cấp thống trị đến mức ăn sâu vào tiềm thức để hiện ra thành lời khuyên răn con: “đừng có đua đả đi cãi nhau với các quan”. Càng đáng thương hơn khi cái “sĩ diện hão vớt vát, đeo đuổi cả đến người cùng túng”: bà thà đóng thuế hai đồng rưỡi cho ra người “có máu mặt” còn hơn đóng một đồng mà phải nhận tiếng “vô sản” mặc dù gia cảnh chẳng còn gì. Chuyện Bắt chuột lại cho thấy “phong tục” ăn thịt chuột diễn ra ở nơi thiếu đói. Đói nhưng vẫn còn giữ sĩ diện: người ta phải tìm cách tự dối mình để mà an ủi rằng mình chỉ ăn chuột đồng - loại chuột “sạch sẽ” - chứ đâu có ăn chuột làng, thứ chuột dơ dáy bẩn thỉu! Thật ra đấy là nhắm mắt cho qua vì “ai cũng biết mà như không muốn biết, chuột đồng chẳng qua cũng là chuột làng”. Đọc những trang văn hằn lên những mảng đời thực trần trụi này mới hiểu vì sao cái đói và miếng ăn đã trở thành nỗi ám ảnh ghê gớm với một số nhà văn nước ta, đặc biệt Nam Cao, Ngô Tất Tố.
Vốn hiểu biết kĩ càng, thấu đáo về đời sống Hà Nội thời thuộc Pháp và sự nhất quán trong cảm quan hiện thực đời thường đã mang lại một cái nhìn vừa già dặn vừa trẻ trung mà không mất đi tính chất nghiêm chỉnh, sâu sắc của các vấn đề xã hội trong hồi kí - kí sự của Tô Hoài. Câu chuyện Làm ma khô là một ví dụ tiêu biểu. Tô Hoài kể về gia đình bác “đĩ Hiền” có ông bố đi phu làm đường trên Thái Nguyên chẳng may bị ốm chết mất xác. Nhà nghèo nhưng bác không thể không làm ma cho bố mình, phần để “đòi nợ miệng”, phần để thiên hạ “trả nợ miệng”, phần giữ thể diện. Thế là dốc toàn lực “làm ma khô”! Người đến viếng đúng là đi trả nợ, còn người nhà đám thì được một dịp “xả láng”: “Ai cũng nói mệt quá, buồn ngủ quá, gào khóc cả mấy hôm rồi khản cả cổ, nhưng chẳng chịu ngồi một chỗ, người nào cũng lăng xăng ra vào, và lúc nào cũng thấy những mặt rượu ngà ngà”. Hậu quả là gia đình bác đĩ Hiền không những không đòi được nợ mà còn bị phá sản đến nỗi phải bán đất, nhà bù lỗ rồi đi phu sang Tân thế giới chẳng còn đường trở về. Thật là cười ra nước mắt! Những chuyện khác như Thẻ thân, Khổng Văn Cu, Đêm giao thừa… cũng chua xót, bi hài như vậy.
Dựng lại lịch sử từ góc độ đời thường là sở trường của ngòi bút Tô Hoài, cũng là “của hiếm” trong văn học Việt Nam hiện đại. Tô Hoài quan niệm “con người là con người” với những mặt tốt và cả những thói tật tầm thường như nó vốn có trong cuộc sống (quan niệm này gần với quan niệm của Bakhtin, nhà lí luận Nga, rằng nhân vật tiểu thuyết phải chứa đựng bên trong nó “cái nghiêm túc lẫn cái buồn cười”; hay quan niệm của văn hào Victor Hugo về con người bao hàm “cái cao cả và cái thấp hèn, bóng tối và ánh sáng”). Với Tô Hoài, trời không có thiên thần, đất không có thánh nhân. Từ đó mà chân dung những văn sĩ Hà thành, trong đó có tác giả, hiện lên sinh động với những nét biếm hoạ, tự trào. Câu chuyện Như đêm ba mươi kể về cái lần Tô Hoài cùng bạn văn Trần và một số anh em nghệ sĩ khác đi nghe hát ả đào ở Vĩnh Hồ. Trong tối hôm ấy, nhà văn Trần sau một phút yếu lòng, dù “đã hết sức phanh” vẫn trót “quan hệ” với đào rượu. Sau đó là ba tháng mười ngày mất ăn mất ngủ vì sợ bị lây bệnh truyền nhiễm. Nếu lây sẽ “nổ từng đốt xương… nổ ống khói toé máu, bước khạng nạng, tanh lộn mửa không dám đến cạnh ai”. Nhưng may thay, nhà văn Trần đã không “dính đạn”, thật hú vía! Câu chuyện dở khóc dở cười, nửa giận nửa thương. Còn nhớ trong hồi kí Cát bụi chân ai, Tô Hoài cũng tiết lộ cho bạn đọc biết về một Xuân Diệu với những “mối tình trai” lập dị: “Con gái đi ngang mặt dửng dưng như không, nhưng con trai xoắn xuýt vòng trong vòng ngoài”, “Xuân Diệu nắm cổ tay từng đứa nhìn rõ vào mắt, mân mê như chọn đẫn mía”; hay một Nguyên Hồng tằng tịu với cô hàng xén ở chợ Đức Thắng, Bắc Giang bị vợ đến tận nơi đánh ghen, làm “mất mẹ nó cái màn” (4)…
Cho rằng Tô Hoài là nhà văn của đời sống sinh hoạt, phong tục hàng ngày với quan niệm con người là con người, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Hegel cho rằng ngay cả khi văn học nghệ thuật phản ánh cái “nôm na”, nó vẫn phải dựa vào chất lý tưởng, và “nhờ tính lý tưởng này, nghệ thuật nâng cao những sự vật mà nếu không có điều đó thì sẽ chẳng có giá trị gì hết” (Hegel, Mỹ học, Nxb Văn học, 1999, tr.288). Đặc sắc nhất trong Chuyện cũ Hà Nội có lẽ là câu chuyện Đức Thánh Tăng. Tô Hoài kể về một lễ hội thật đặc biệt. Lễ hội rước Thánh Tăng mà chẳng thấy cờ, kiệu đâu, cũng không thấy tiếng trống, tiếng nạo bạt, thanh la như mọi đám rước khác. Vậy mà ai cũng hí hởn lạ thường. Thì ra đây là hội người rước người chứ rước Thánh Tăng chỉ là “chuyện nhỏ”: trong ánh trăng, “toàn trai gái cứ xông vào nhau cật lực, như đánh vật, lại như đập lúa”, “tiếng cười rú, tiếng hí, tiếng hú, tiếng rít rầm rầm”, “người quấn lấy người vần nhau qua cánh đồng”... cứ như thế cho đến hết đêm rằm tháng Tám. Câu chuyện thật hồn nhiên, phóng túng. Nó cho thấy sức sống mãnh liệt của con người đã trào dâng vượt khỏi khuôn phép khô cứng của lễ giáo phong kiến. Nó ca ngợi vẻ đẹp phồn thực nhân bản của con người. Phải chăng, đây chính là tính chất “lý tưởng” mà Hegel đã nói đến?
Tô Hoài đã đưa bạn đọc về với muôn mặt đời thường ở Hà Nội một thời. Điều thú vị là ở chỗ, trong cái đời thường hỗn tạp kia vẫn có những khoảnh khắc đẹp một cách tĩnh lặng. Bởi thế, âm chủ của giọng văn tác phẩm là trầm tĩnh. Không phải ngẫu nhiên mà mở đầu cuốn sách là Phố Mới, còn kết thúc là Cửa thiền. Cửa thiền - một ẩn dụ để nhà văn nhấn vào vẻ đẹp riêng, tiêu biểu của Hà Nội nghìn năm văn hiến: đẹp trong yên tĩnh. Ngoài giá trị văn chương, Chuyện cũ Hà Nội còn là tư liệu quý cho các nhà xã hội học và tất cả những ai yêu, khao khát hiểu sâu về Hà Nội 

Link dow bằng IDM (nguồn đài tiếng nói nhân dân TPHCM)

Ba Mươi Sáu Phố Phường (Băm Sáu Phố Phường) - Tô Hoài, do Kim Phượng đọc
Bánh Chợ - Tô Hoài, do Kim Phượng đọc
Bánh Ú - Tô Hoài, do Kim Phượng đọc
Chiếc Xe Cút Kít - Tô Hoài, do Kim Phượng đọc
Chợ Bưởi - Tô Hoài, do Kim Phượng đọc
Chợ, Kẻ Chợ - Tô Hoài, do Kim Phượng đọc
Con Đường Về Quê Nội - Tô Hoài, do Xuân Khoa đọc
Diều Sáo - Tô Hoài, do Kim Phượng đọc
Đồng Làng Ngoại Ô - Tô Hoài, do Kim Phượng đọc
Hội Làng - Tô Hoài, do Kim Phượng đọc
Làng Tôi - Tô Hoài, do Xuân Khoa đọc
Mùa Hạ Tiếng Chim - Tô Hoài, do Xuân Khoa đọc
Phố Hàng Đào - Tô Hoài, do Xuân Khoa đọc
Ven Hồ Tây - Tô Hoài, do Xuân Khoa đọc

Chủ bút: Hỗn Tạp Blog

Hỗn tạp blog, blog lưu giữ tất cả các bài viết hay trên mạng internet, từ tin tức công nghệ, cho đến sức khỏe, làm đẹp. Từ thủ thuật blogger cho đến Facebook

Có thể bạn sẽ thích

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Radio Online

 Danh bạ doanh nghiệp

Search


Tổng số lượt xem trang

Ảnh

.

.

.

.

Banner4

Banner3

Banner2

Banner1

Translate

Pages

logo

Vertical2

On Facebook

About

On Twitter

.