Trong một báo cáo về viễn cảnh thị trường thế giới niên vụ 2013/14 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đưa ra hồi tháng 6, lượng cà phê nhân nhập khẩu vào Trung Quốc mùa vụ 2013/14 sẽ tăng 12,5% lên 1,8 triệu bao loại 60 kg so với 1,6 triệu bao của niên vụ cũ và tăng 314% so với 435.000 bao của niên vụ 2008/09.
Tuy nhiên, con số này không thể chỉ ra được lượng tiêu thụ hay sản lượng cà phê của Trung Quốc, và USDA luôn đưa ra những dự báo và đề án về tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc chỉ thông qua thông tin về tình hình nhập khẩu.
Theo tạp chí Chinese Chines Jing Daily, “lượng tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc tăng từ 30 – 40% mỗi năm, cao hơn mức tăng trung bình toàn cầu 2 – 3%”.
Ông Alex Gruber, Giám đốc chuyên ban cà phê của Công ty Tong Teik cho biết: “Không ai biết người Trung Quốc tiêu thụ bao nhiêu cà phê. Đây là một câu hỏi lớn và mức tiêu thụ nằm trong khoảng 1/3 – 1/4 tách/người. Từ lượng nhập khẩu và các con số khác có thể thấy lượng tiêu thụ đang tăng lên”.
Vân Nam – vùng đất trồng cà phê lý tưởng
Bà Emma Bladyka, quản lý về khoa học cà phê của SCAA cho biết: “Không chỉ có lượng tiêu thụ cà phê tăng cao mà lượng sản xuất cũng như chất lượng đều theo xu hướng đi lên”.
Mặc dù không biết cà phê được du nhập vào Trung Quốc chính xác là từ khi nào, nhưng con số thống kê cho thấy cây cà phê được trồng ở hai tỉnh Vân Nam và Hải Nam vào khoảng năm 1887. Một người truyền giáo quốc tịch Pháp đã mang những hạt giống cà phê đầu tiên đến vùng đất Tân Xuyên thuộc tỉnh Vân Nam. Những hạt giống này được lấy từ vườn trồng cà phê tại Đông Kinh, một tỉnh cực bắc của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Vườn cà phê này bắt đầu được trồng trong khoảng thời gian từ 1856 đến 1857.
Vườn cà phê này không thuộc hàng ưu tiên ở Trung Quốc. Nói chung, cà phê chỉ dùng để phục vụ người nước ngoài đóng quân tại Trung Quốc và đến năm 1965 tổng diện tích trồng cà phê chỉ vào khoảng 4.000 ha. Diện tích này nhanh chóng bị giảm đi và gần như biến mất trong thập niên 70 và 80 khi các vùng đất nông nghiệp được ưu tiên trồng cây lương thực với mục đích chính trị. Tuy nhiên, vào cuối thập niên 80, giới quan chức vùng Pu’er thuộc tỉnh Vân Nam đã mời công ty Nestlé thành lập một dự án liên kết nhằm phục hồi lại tình hình sản xuất cà phê. Đến giữa thập niên 90, diện tích trồng cà phê tại tỉnh Vân Nam đã trở lại con số 4.000 ha và một thập niên sau đó con số này đã tăng lên gấp đôi vào khoảng 10.000 ha. Không phải ngẫu nhiên khi năm ngoái Starbucks thông cáo rằng họ sẽ tham gia sản xuất cà phê tại vùng Pu’er thuộc Vân Nam. Ngay từ những ngày đầu cà phê du nhập vào Trung Quốc, tỉnh Vân Nam đã là một trong những tỉnh có địa thế trồng cà phê phù hợp nhất nhờ có núi và cao nguyên.
Các công ty nước ngoài đang mở rộng sự có mặt của mình
Từ cửa hàng cà phê Starbucks đầu tiên có mặt tại Bắc Kinh năm 1999 hiện nay đã mở rộng thành hơn 850 cửa hàng và có mặt tại 48 thành phố của Trung Quốc. Starbucks còn đưa ra kế hoạch con số này sẽ là 1.500 cửa hàng vào năm 2015. Mặc dù Starbucks hiện nắm giữ 70% thị trường cà phê bán lẻ của Trung Quốc, nhưng cuộc cạnh tranh trong nước trong những năm gần đây đang ngày càng nóng lên với sự xuất hiện của Tập đoàn McDonald’s, Oak Brook, …
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra mục tiêu phải tăng sản lượng cà phê lên 200.000 tấn, tương đương 3,3 triệu bao trong vòng 5 năm tới.
Dựa vào xu hướng phát triển như hiện nay, dù sản lượng cà phê của Trung Quốc có tăng thì vẫn khó đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa và khả năng Trung Quốc vẫn là nước thuần nhập khẩu cà phê là rất lớn.
Nguồn: Tạp chí Thương mại Trà và Cà phê tháng 9/2013